028.6683.6980

Hotline 24/7: 091.668.9880

info@bacdautravel.com

Xuân Phân (Equinox) và ngày Lễ Phục Sinh

 

Xuân Phân (Equinox) năm nay, tại Việt Nam được đánh dấu từ thời điểm 10h49’17’’ ngày 20/3/2020.
Xuân Phân, nghĩa là GIỮA mùa Xuân, ngày và đêm có thời gian dài bằng nhau, người xưa còn gọi là "Trú Dạ phân" có nghĩa là "chia đều Ngày - Đêm". Nhưng ở Châu Âu thì Equinox lại là thời điểm BẮT ĐẦU mùa Xuân (sẽ giải thích ở cuối bài).

 

 

Tại sao nó lại được đánh dấu bằng thời điểm?


Do Trái Đất quay quanh Mặt Trời (Thái Dương), cho nên đứng từ mặt đất mà quan sát thì Hoàng Đạo là đường quỹ đạo của Thái Dương trên Thiên Cầu. Hoàng Đạo lấy điểm Xuân Phân làm điểm khởi đầu để đánh dấu kinh độ của nó gọi là Hoàng Kinh, trong đó 4 điểm 0 độ, 90 độ, 180 độ, 270 độ lần lượt được gọi là điểm Xuân Phân, điểm Hạ Chí, điểm Thu Phân và điểm Đông Chí, người xưa quen gọi là "nhị Phân, nhị Chí". Như vậy, Xuân Phân về bản chất chính là thời điểm mà Mặt Trời đi đến điểm 0 độ Hoàng Kinh.

Ở trên Thiên Cầu mà lấy Hoàng đạo làm khu vực hình vành khuyên trung tâm, thì gọi là vành đai Hoàng đạo, với bề rộng khoảng 16 độ. Lại căn cứ theo biểu hiện của Thái Dương ở trên các vị trí của Hoàng đạo mà người xưa đem phân chia vành đai Hoàng đạo thành 12 đoạn, gọi là 12 cung Hoàng đạo, lấy đích danh của chòm sao ở đó mà đặt tên. Lấy điểm Xuân Phân làm điểm khởi đầu, từ Bạch Dương (Aries, Tuất), lần lượt tới Kim Ngưu (Taurus, Dậu), Song Tử (Gemini, Thân), Cự Giải (Cancer, Mùi), Sư Tử (Leo, Ngọ), Thất Nữ (Virgo, Tị), Thiên Xứng (Libra, Thìn), Thiên Hạt (Scorpio, Mão), Nhân Mã (Sagittarius, Dần), Ma Yết (Capricorn, Sửu), Bảo Bình (Aquarius, Tý), Song Ngư (Pisces, Hợi).

Ồ, tháng này đang là tháng Mão cơ mà, tại sao lại nói “Bạch Dương, Aries, tương ứng cung Tuất” nhỉ?
Ở đây, ta lại cần phải phân biệt giữa thuật ngữ Nguyệt Kiến vs Nguyệt Tướng.

* Cái gọi là "Nguyệt Kiến" là, Kiến chính là vị trí của Bắc Đẩu tạo ra, đó là Đẩu Bính (cán gáo trong hình chòm sao Đẩu) chỉ vào tháng đó. Thí dụ, tháng này là tháng Mão thì đuôi chòm Bắc Đẩu trỏ vào cung Mão. 12 Nguyệt Kiến, lấy 12 Địa Chi đi thuận chiều kim đồng hồ để mà gọi. Gianh giới của cung tương ứng với các "Tiết" của Hoàng Đạo trong Lịch Pháp.

* 12 Nguyệt Tướng, chính là 12 triền cung của Mặt Trời. Bởi vì ở trên hoàng đạo thì Thái Dương vận chuyển nghịch chiều kim đồng hồ, cho nên theo đó mà sắp đặt 12 cung, lần lượt là Đăng Minh, Hà Khôi, Tòng Khôi, Truyền Tống, Tiểu Cát, Thắng Quang, Thái Ất, Thiên Cương, Thái Xung, Công Tào, Đại Cát, Thần Hậu. Gianh giới của cung tương ứng với các "Khí" của Hoàng Đạo trong Lịch Pháp. Những ai chơi các môn thuật số Thái Ất, Kỳ Môn, Lục Nhâm, Chiêm Tinh Tây phương, thuật Thất Chính Tứ Dư,… đều phải biết dùng cả.

 

Trong mối quan hệ của Nguyệt Kiến với Nguyệt Tướng, cổ nhân có một kết luận rất quan trọng:
Đẩu Bính (chuôi chòm Bắc Đẩu) chỉ vào Tý thì Nhật Nguyệt hội ở Sửu, Đẩu Bính chỉ Sửu thì Nhật Nguyệt hội ở Tý, Đẩu Bính chỉ Dần thì Nhật Nguyệt hội ở Hợi, Đẩu Bính chỉ Hợi thì Nhật Nguyệt hội ở Dần. Tức là Nguyệt Kiến với Nguyệt Tướng vĩnh viễn có mối quan hệ tương hợp, đây cũng chính là nguồn cơn của quan niệm Địa Chi lục hợp. Lục Hợp lại cũng thường thấy ở trong các điển tịch về âm luật cổ đại.

 

Equinox, chính là “Equal_night” (ngày đêm dài bằng nhau).


Vì trái đất nghiêng 23.5 độ, cho nên vào mùa Đông của Châu Âu ở bắc bán cầu sẽ nhận được rất ít ánh sáng Mặt trời, thiếu nguồn nhiệt thì ắt sẽ khiến cho thời tiết giá lạnh, tuyết bay đầy trời, vạn vật đi trú đông, mấy anh chàng chơi ngông thì chui vào chăn bông nghêu ngao “đường vào tim em ôi băng giá…”.

Đến ngày 20 hoặc 21 tháng Ba (Equinox) thì Trái đất đi đến vị trí mà Châu Âu nhận được nhiều ánh sáng Mặt trời chiếu đến. Và thời điểm này băng tuyết dần tan, cây cối đâm chồi nảy lộc, con vật chui ra khỏi chỗ trú đông, và anh chàng chơi ngông kia lại nghêu ngao hát “mùa Xuân đến, đạp xe trên phố…”. Lúc này vạn vật hồi sinh, cho nên người ta mới sắp đặt cái Lễ Phục Sinh vậy. Phục Sinh = vạn vật quay lại (phục) sinh hoạt / hồi sinh như được Chúa ban phép, chứ chẳng phải là ngài Jesu sống lại đâu. Mấy vị chức sắc Thiên Chúa giáo đem giấu kiến thức Lịch Pháp vào trong giáo lý đó thôi, tương tự như các vị khác đã từng làm trong Phật giáo, Hồi giáo,….

 

 

Cách tính ngày lễ Phục Sinh này từ trước thế kỷ 16 dùng 1 công thức rất đơn giản: Ngày Mặt Trời trực nhật (Chúa Nhật, Sunday) đầu tiên ngay sau khi Trăng tròn lần đầu kể từ Equinox.

Như vậy là Lễ Phục Sinh vốn dựa vào cả Thái Dương lịch (lịch Mặt Trời) và Thái Âm lịch (lịch Mặt Trăng), cho nên nó không có 1 ngày cố định mà cứ dao động ở cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch. Và bản chất việc tháng 2 có 28 ngày (năm Nhuận có 29 ngày) chính là thủ pháp nhằm kéo cho Lễ Phục Sinh không bị trượt xa thời điểm Equinox, chứ chẳng phải là cái chuyện đổ vạ cho ông cháu nhà Julius Cesar với Augustus như đồn thổi đâu nhé.

 

img img img img img