028.6683.6980

Hotline 24/7: 091.668.9880

info@bacdautravel.com

Đẩu Số với Tiết Khí

Đẩu Số với Tiết Khí

Tác giả: Phan Văn Khâm

Dịch giả: Quách Ngọc Bội



Trong các thảo luận về mệnh lý tại các khu vực khác nhau, thỉnh thoảng lại có người nhắc đến vấn đề tương quan giữa Tử Vi Đẩu Số với Tiết Khí. Có thể thấy rằng, Tử Vi Đẩu Số dù muốn hay không muốn tham khảo đến vấn đề của Tiết Khí thì cho đến nay vẫn cứ đã và đang khiến nhiều học giả nghiên cứu tử vi cảm thấy có chút bối rối. Thành thực mà nói, cá nhân tôi (QNB chú: tác giả bài viết, Phan Văn Khâm, Đài Loan) cũng từng rất bối rối, có thời gian dài mà tôi thậm chí chả dám dùng Tử Vi Đẩu Số để mà toán mệnh cho người ta ấy chứ!

Suy cho cùng thì Tử Vi Đẩu Số ở trong lúc bài bố mệnh bàn (lá số) có cần hay không việc đối chiếu với Tiết Khí đây? Trước khi thảo luận nghiên cứu vấn đề này, chúng ta còn nhất thiết phải giải quyết một vấn đề tranh nghị nhiều năm từ xưa đến nay của môn Tử Vi Đẩu Số, đó chính là vấn đề của "tháng Nhuận". Bởi vì vấn đề "tháng Nhuận" và "Tiết Khí" có tồn tại mối quan hệ rất mật thiết.

Người từng học qua môn Tử Vi Đẩu Số đều biết rằng, trong việc an lá số mà đụng phải vấn đề đương số sinh vào tháng Nhuận là một vấn đề khá hóc búa (tối thiểu thì với người mới học là như vậy). Song, đối diện với thời đại trăm nhà đua tiếng về thuật số, riêng đối với phép bài bố tháng Nhuận của Tử Vi đẩu số đã có rất nhiều phương pháp khiến cho người ta phải suy nghĩ.

Có người nói, tháng Nhuận thì cứ lấy tháng sau đó mà toán; có người cho rằng lấy chính tháng đó mà toán; còn có người nói theo tháng sau đó mà khởi 2 cung Mệnh Thân nhưng mà các tinh diệu theo tháng thì vẫn lấy tháng trước đó để bài bố an định; lại thêm có người đem tháng trước đó với tháng Nhuận cộng lại khởi đến gần 60 ngày; v.v...

Các bố đó kiến giải nhiều cái cũng rối rắm khiến cho người ta bất giác hoa mày chóng mặt. Thế nhưng mà, trong đó có rất nhiều luận điệu kỳ kỳ quái quái, cứ như là chẳng ai sẵn lòng đem Tử Vi Đẩu Số để đối mặt với "Tiết Khí". Chỉ đơn giản là do một câu "Bất y Ngũ Tinh yếu quá Tiết" (chẳng giống như môn Ngũ Tinh chú trọng đến Tiết Khí) ở trong bài Tử Vi Đẩu Số Tổng Quyết.
[Xin chú ý! bài Tử Vi Đẩu Số Tổng Quyết nói trên trong hai bản cổ thư của môn Tử Vi Đẩu Số, thì chỉ có cuốn <<Thập Bát Phi Tinh sách thiên Tử Vi Đẩu Số toàn tập>> có ghi lại, còn trong một cuốn khác là <<Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư>> lại hoàn toàn chẳng thấy có ghi lại!]

(QNB chú: bản TVĐS Toàn Thư mà QNB dịch cũng không thấy ghi chép về bài quyết này, nhưng QNB có sưu tầm từ một số nguồn khác nhau và cũng đã có dịch bài Đẩu Số Tổng Quyết này đăng trên tuvilyso.org và chép lại trong quyển Tử Vi Ca Phú Tập Thành. Quý độc giả nêu chưa rõ bài này thì tham khảo thêm).

Không biết quý vị độc có từng hay không nảy ra ý nghĩ là, nhỡ may cái câu "Bất y Ngũ Tinh yếu quá Tiết" chính là "ngụy quyết" (câu quyết giả) hoặc là cả cái bài Tử Vi Đẩu Số Tổng Quyết ấy đều là "ngụy quyết" thì làm sao?

Mọi người chớ có vội cho rằng bút giả nói chuyện giật gân, từ rất lâu rồi cho tới nay trong giới Đẩu Số vẫn liên tục có tồn tại tranh luận <<Thập Bát Phi Tinh sách thiên Tử Vi Đẩu Số toàn tập>> và <<Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư>> thì quyển nào mới là "Thiên Thư" chính thống. Chỉ đơn giản là trong hai bản cổ thư đó có tồn tại rất nhiều sự khác biệt. Trong các sách của giới tiền bối mệnh lý trụ cột như Liễu Vô Cư Sĩ, Tuệ Canh, Nhật Nguyệt Đạo Nhân,... có thảo luận tỉ mỉ kỹ càng với các khảo chứng, cái gì thực cái gì hư, đọc giả có thể tự mình nhận xét đánh giá, bút giả khỏi cần phải nói rườm rà thêm!

Trở lại với nội dung chính của vấn đề, đầu tiên chúng ta nghiên cứu xem "tháng Nhuận" là cái gì?

Trước hết, chúng ta cần bắt đầu nghiên cứu một chút về "Lịch Pháp" của Trung Quốc. Ở đây chúng ta viện dẫn trong sách <<Lịch pháp tùng đàm>> (phiếm đàm về Lịch Pháp) của tiên sinh Trịnh Thiên Kiệt trước tác, do Đại Học Văn Hóa Trung Quốc xuất bản:

Trung lịch dựa theo nóng lạnh bốn mùa mà xác định năm, lấy Đông Chí làm Tuế Nguyên (bắt đầu của năm), từ Đông Chí này đến Đông Chí tiếp theo là 1 năm; Nhật Nguyệt hợp Sóc mà xác định tháng, lấy ngày Sóc làm Nguyệt Thủ (đầu mối của tháng),... Cho nên "niên vi hồi quy niên" (năm là "năm hồi quy"), còn gọi là "năm Thái Dương"; nguyệt vi hợp sóc nguyệt (tháng là tháng theo Sóc), cũng gọi là "tháng Sóc Vọng" hoặc là "tháng Thái Âm";...

Năm Trung lịch là năm Thái Dương, độ dài của năm có 365.2422 ngày, gọi là Tuế Thực, một năm dựa vào Thái Dương ở tại vị trí trên vòng Hoàng Đạo mà chia làm 12 Tiết nguyệt, tức 12 tháng Thái Dương,... Dựa vào 12 Chi làm thứ tự Tiết nguyệt, còn gọi là Thập Nhị Kiến Nguyệt.

Trung lịch căn cứ vào sự tròn khuyết của Thái Âm để tính toán tháng, mỗi một tháng Thái Âm có độ dài là 29.53058 ngày, gọi là Sóc Sách, lấy số nguyên là 30 ngày hoặc 29 ngày làm một tháng (âm) lịch.
Trung lịch lấy 12 tháng Thái Âm làm một năm (âm) lịch, số ngày của một 12 tháng Thái Âm lịch trong một năm là 354 hoặc 355 ngày;
Một năm (âm) lịch so với Tuế Thực của năm dương lịch ước chừng ít hơn 11 ngày. Cho nên một vài năm lại cần bố trí tháng Nhuận để điều chỉnh Tiết hậu. Năm Nhuận thì một năm có chứa 13 tháng (âm) lịch.

Trung lịch dựa vào tháng Thái Âm của nó cần phối hợp Nguyệt tượng, trường độ Sóc Sách của một tháng, hợp với 29.53058 ngày; dựa vào năm Thái Dương của nó cần phối hợp Tiết Khí, trường độ của một năm, Tuế Thực, hợp với 365.2422 ngày; đem trường độ của Sóc Sách với Tuế Thực đối chiếu lên để tìm ra bội số chung nhỏ nhất của chúng chính là 19 năm (tính theo năm Thái Dương) gọi là 1 Chương, trong một Chương có 235 tháng (tính theo tháng Thái Âm), số ngày của nó và số ngày của 19 năm Thái Dương là tương đồng (6939.6 ngày)... Đó là lý do mà trong 1 Chương, 19 năm, thì thiết lập có 7 tháng Nhuận....

Chúng ta nên biết rằng, biến đổi diễn hóa của bất kỳ một môn mệnh lý thuật số thì không có môn nào mà các bậc tiên hiền cổ thánh lại không căn cứ vào định luật của thế giới tự nhiên hoặc là quy luật vận hành của Nhật Nguyệt theo sự quan sát mà suy tính ra. Theo như bên trên đã nói, chúng ta có thể biết được "Tháng Nhuận" chính là vì sự phối hợp năm Thái Dương được dùng để điều chỉnh số phần tháng Thái Âm. Trong Thiên Văn, Lịch Pháp, hoặc Chiêm Tinh học, "tháng Nhuận" chỉ là chúng ta sửa đổi lại việc thiết kế an bài của "Năm". Tháng của Thái Âm lịch có thứ tự từ tháng Giêng (Chính Nguyệt), tháng Hai, tháng Ba,... tháng Mười Hai (Chạp) cũng chính là sự bài bố theo số chứ chẳng có công dụng gì khác trên thực tế, trái lại, mỗi một Thái Dương Tiết Nguyệt trong Thiên Văn học lại có một địa vị trọng yếu tương xứng với nó. Quý vị mà không ngại thì hãy xem lại ngày sinh dương lịch của bản thân mình, bởi vì mỗi năm vào ngày ấy thì vị trí Thái Dương trên Hoàng Đạo là đều tương đồng vị trí với lúc sinh ra. Nhưng mà người Trung Quốc luôn luôn chịu ảnh hưởng sâu sắc và coi trọng ngày sinh theo nông lịch (lịch âm), mà theo Thiên Văn thì nó không có nhiều điểm đặc biệt. Đó là lý do mà chúng ta không thể không nghi ngờ chất vấn trong môn Tử Vi Đẩu Số đối với vấn đề phép xem "tháng Nhuận" dường như có ý nghĩa bàn luận có giá trị đặc biệt.

Đã từng có đại sư môn Đẩu Số cho rằng phải căn cứ vào "Thái Âm lịch" mà quy định (đây cũng là quan điểm mà nhiều đại sư Đẩu Số khăng khăng giữ). Nhưng mà, chúng ta cho rằng cái quan điểm đặc biệt ấy có giá trị thảo luận, chúng ta đừng ngại nghiên cứu thêm một chút:

Trước tiên, chúng ta khảo cứu tất cả lịch pháp của Trung Quốc, ngàn năm qua đều áp dụng "Âm Dương hợp lịch", vì vậy mới có sự xuất hiện của "tháng Nhuận". Còn nếu chỉ dùng riêng mình "Thái Âm lịch" thì tựa hồ như chưa từng xuất hiện qua, dù cho trong dân gian lấy Thái Âm để tính toán tháng, cũng đều là vẫn muốn phối hợp Tiết Khí làm căn cứ, điểm này chúng ta có thể qua nông lịch thịnh hành trong dân gian mà hiểu được.

Thứ hai, cho dù nói theo quan điểm của Thiên Văn học và Vật Lý học, lực ảnh hưởng của Thái Dương (Mặt Trời) đối với Địa Cầu nếu như so với Mặt Trăng thì mạnh hơn rất nhiều. Chúng ta đều biết rằng, hết thảy các sinh vật trên Địa Cầu đều có 3 yếu tố duy trì sinh mệnh là: Ánh dương quang, Không khí và Nước. Trên Địa Cầu nếu như mà không có dương quang thì sẽ không có tồn tại sự sống, do đó, giả sử như Tử Vi Đẩu Số trong buổi thiết lập ban đầu sơ khai, mà bỏ qua Thái Dương không dùng lại chỉ dùng mỗi Nguyệt Lượng (Mặt Trăng), thì dường như lại có điểm không thể nào nói nổi. Đây cũng chính là cái mà tại làm sao hết thảy các môn thuật số Trung Quốc bao gồm: Bát Tự, Lục Hào quái, Mai Hoa dịch, Kỳ Môn Độn Giáp, Phong Thủy Dương Trạch, Tướng Mặt Tướng Tay,... đều cần tham chiếu Tiết Khí của Thái Dương lịch làm căn cứ xuất phát. Thậm chí, ngay cả thuật Chiêm Tinh phương Tây cũng đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tiết Khí ấy chứ! (Trong chiêm tinh học, Thái Dương qua 12 chòm sao Hoàng Đạo chính là cái mà chúng ta gọi là Tiết Khí). Đương nhiên, Nguyệt Lượng đối với chúng ta cũng có lực ảnh hưởng tương đối lớn, điểm này, sau đây chúng ta sẽ thảo luận nghiên cứu.

Lại theo kết cấu bên trong của Tử Vi Đẩu Số để xét, giả sử nếu quả thực Tử Vi Đẩu Số chỉ khảo sát mình Thái Âm lịch hoặc năm Thái Âm, thì tại sao trong kỹ thuật Đẩu Số còn cần thiết lập một ngôi sao "Thái Dương" để làm cái gì? Trong phần "Chư Tinh vấn đáp luận" của sách Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư có ghi chép:
"Thái Dương tinh thuộc hỏa nhật chi tinh vậy, chính là biểu nghi của tạo hóa,... làm nguồn chiếu sáng ở trong số, chính là then chốt của quan lộc...
Hi Di tiên sinh viết: Độ số trải qua vòng chu thiên của Thái Dương tinh vận chuyển vô cùng...
Bạch Ngọc Thiềm tiên sinh viết: Thái Dương ti quyền quý làm văn, gặp Thiên Hình thì làm võ, tại Dần mão là sơ thăng (mới bắt đầu mọc), tại Thìn Tị là thăng điện (đã lên đến cung điện), tại Ngọ là Nhật lệ trung thiên (Mặt trời sáng rực rỡ giữa bầu trời), đại phú đại quý, tại Mùi Thân là thiên viên (xế khỏi cung viên)... tại Dậu là Tây một (lặn xuống phía Tây)... tại Tuất Hợi Tý là thất huy (mất ánh sáng)... v.v..."
Những quan điểm này đều cùng phù hợp với Thái Dương ở trong Chiêm Tinh học, có thể thấy trong buổi ban sơ thiết lập môn Đẩu Số, đích xác có suy xét khảo sát đến lực ảnh hưởng của Thái Dương.

Theo những gì đã thảo luận trong đoạn nói trên, chúng ta thực sự không tìm ra chứng cứ mạnh mẽ của việc Tử Vi Đẩu Số lấy Thái Âm lịch làm chủ. Có lẽ sẽ có người nghi ngờ chất vấn:
- Không lẽ vận hành của Nguyệt Lượng (mặt trăng) với Sóc Vọng tròn khuyết của nó lại không có ảnh hưởng tới sinh vật hay sao?
Chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn với mọi người rằng:
- "Có" ! Nguyệt Lượng thực sự cũng có lực ảnh hưởng rất lớn.
Trong Chiêm Tinh học, lực ảnh hưởng của Nguyệt Lượng là ngay kế sau Thái Dương. Trong mệnh bàn (lá số) có chiếm phân lượng tương đương. Nhưng mà then chốt của sự biến hóa thay đổi tròn khuyết của nó là ở "Nhật" (ngày) chứ không phải là ở "Nguyệt" (tháng). Chúng ta đều biết rằng ngày mồng Một âm lịch là không thấy ánh trăng, mà lúc trăng tròn thì nhất định là xảy ra xung quanh ngày 15. Cái này cũng chính là vì sao mà Tử Vi Đẩu Số khi an bài xác định sao Tử Vi cần phải theo ngũ hành Cục phối hợp với "số ngày sinh" để khởi. Ví dụ như: Trong khẩu quyết khởi Tử Vi tinh của Thủy Nhị Cục:
"Khảm thủy cung trung nhị tuế hành,
sơ nhất khởi sửu xuất nhị dần,
thuận hành nhất cung an nhị nhật,
âm dương tuy thù hành tắc đồng"

Nghĩa đen:
"Trong cung Khảm thủy hai năm chuyển
Mồng Một khởi ở Sửu, ra đến mồng Hai ở Dần
Chuyển theo chiều thuận, mỗi cung an hai ngày
Âm dương tuy có khác biệt nhưng di chuyển thì lại giống nhau"

Nôm na tức là:
"Đối với cung có Cục thuộc hành Thủy và cơ số vận hành là 2
Khởi sao Tử Vi với ngày mồng Một tại cung Sửu, mồng Hai tại cung Dần
Chuyển theo chiều thuận, cứ mỗi cung thì an hai ngày tiếp theo
Âm Dương tuy có khác biệt nhưng di chuyển lại giống nhau".

Ngoài ra thì ngũ hành cục khởi Tử Vi tinh cũng đều là tương đồng.

Trở lại, chúng ta xem phương pháp sắp đặt Mệnh Thân cung của Tử Vi Đẩu Số với phương pháp xác định cung Mệnh trong Chiêm Tinh học cũng có chút sự giống nhau. Lấy môn Quả Lão Tinh Tông (hoặc gọi là Thất Chính Tứ Dư) làm ví dụ, phương pháp an cung Mệnh của nó là lấy Thái Dương đến trong cung Hoàng Đạo mà khởi giờ sinh, thuận hành đếm đến Mão thì an cung Mệnh; còn phương thức của Tử Vi Đẩu Số thì lấy tháng sinh khởi giờ Tý, đếm nghịch đến giờ sinh thì an cung Mệnh. Phương diện này kỳ thực là có yếu tố tương tự rất to lớn, người nào mà học qua Thất Chính Tứ Dư (hoặc Chiêm Tinh) đều biết rõ, Thái Dương đến trong cung Hoàng Đạo kỳ thực chính là Tiết Khí mà chúng ta vẫn thường dùng, cũng chính là "tháng Thái Dương"; mà giải thiết là Tử Vi Đẩu Số cũng dùng Tiết Khí để phân chi Nguyệt Lệnh, như thế thì chẳng phải là cách an cung Mệnh của Tinh Tông và Tử Vi Đẩu Số là đều cùng một dạng theo Nguyệt Lệnh khởi đầu hay sao? Khác biệt chỉ ở phép đi thuận nghịch theo cung vị mà thôi. (Ở trong điều này còn liên quan tới vấn đề kết cấu của mệnh bàn Đẩu Số với Tinh Tông, có lẽ sau này sẽ trình bày ra).

Nếu như chúng ta còn bới lông tìm vết, theo cổ thư bắt đầu khảo chứng, cũng có thể tìm được một chút manh mối để thảo luận:

Hiện nay các học giả Tử Vi Đẩu Số chủ trương rằng nguyên do mà Tử Vi Đẩu Số không theo Tiết Khí là căn cứ cổ thư <<Thập Bát Phi Tinh sách thiên Tử Vi Đẩu Số toàn tập>> bên trong có bài "Tử Vi Đẩu Số Tổng Quyết" để mà lý luận. Chúng ta tạm thời trước tiên không bàn luận tới tính chân thực của nó, chỉ đơn thuần thảo luận nghiên cứu về câu bên trong bài "Tử Vi Đẩu Số Tổng Quyết":

"Tử Vi Đẩu Số Tổng Quyết" khai tông minh nghĩa có giảng rằng:
"Hi Di ngưỡng quan thiên thượng tinh,
Tác thành đấu sổ thôi nhân mệnh,
Bất y Ngũ Tinh ( yếu ) quá tiết,
Chích luận niên nguyệt nhật thì sinh
...
Hà dụng cầm đường giảng Ngũ Tinh".
=
(Ngài Hi Di ngẩng đầu ngắm sao trên trời,
Tạo ra môn Đẩu Số để suy đoán mệnh người,
Không giống với (môn) Ngũ Tinh, quá chú trọng đến Tiết khí,
(Mà) Chỉ luận về năm, tháng, ngày, giờ sinh).
...
Thì còn cần dùng phòng nhạc ("cầm đường") để giảng về môn Ngũ Tinh nữa chăng?)

và chúng ta thảo luận đến nhân tố then chốt có liên quan ở hai câu là "Bất y Ngũ Tinh yếu quá Tiết" và "Hà dụng cầm đường giảng Ngũ Tinh".

Trước tiên ta phải làm sáng tỏ hai chữ "Ngũ Tinh", bình thường dù sao vẫn cho rằng "Ngũ Tinh" chính là đại biểu cho "Quả Lão Tinh Tông" hoặc "Thất Chính Tứ Dư", nhưng kỳ thực điều này là sự hiểu lầm rất lớn. Cổ nhân giảng "Thất Chính Tứ Dư" là đem Thái Dương, Nguyệt Lượng, Thủy Tinh, Kim Tinh, Hỏa Tinh, Mộc Tinh, Thổ Tinh, mà quy làm "Thất Chính"; mà trong "Thất Chính" thì Thủy Tinh, Kim Tinh, Hỏa Tinh, Mộc Tinh, Thổ Tinh được gọi là "Ngũ Tinh"; địa vị của Thái Dương và Thái Âm là ở trên cả "Tinh". Do đó, "Ngũ Tinh" chẳng qua chỉ là một bộ phận bên trong của "Thất Chính", chứ không thể đại biểu cho toàn bộ "Thất Chính Tứ Dư".

Người mà học qua môn Chiêm Tinh học đều biết rằng trong hết thảy "Thất Chính Tứ Dư" thì chỉ có sự vận hành của Thái Dương với Thái Âm là có quy luật thời gian nhất định, còn "Ngũ Tinh" của nó đối chiếu với thời gian của Địa Cầu mà nói thì không có quy luật nhất định. Chúng ta đem quy luật biến hóa của Thái Dương diễn biến thành "Tiết Khí", còn sự trong khuyết của Thái Âm theo sự vận hành của nó thì biểu hiện sự biến hóa thay đổi theo mỗi một ngày đêm. Nhưng mà sự vận hành của "Ngũ Tinh" thì căn bản không có tuân theo quy tắc thời gian, mà hoàn toàn cần phải dựa vào quan trắc và tính toán theo số học mới có thể biết được. Cái này cũng chính là nguyên nhân vì sao mà cổ nhân học "Thất Chính Tứ Dư" cần phải học đầy đủ về diễn toán (tính toán theo công thức) số học và họ về quan trắc Thiên Văn, chỉ có như thế mới có thể hiểu rõ ràng chính xác về quy tắc vận hành của "Ngũ Tinh". Người hiện đại thì khỏi phải phiền phức như vậy, chỉ cần bấm máy tính một cái, thì toàn bộ vị trí của Thất Chính Tứ Dư đều hiển hiện rõ ràng! Bởi vậy, tại đây tôi nhất định phải nhấn mạnh rằng:
Sự vận hành căn bản của "Ngũ Tinh" với "Tiết Khí là không có sự liên quan.
Đó chính là lý do mà nếu như câu "Bất y Ngũ Tinh yếu quá Tiết" là nói Tử Vi Đẩu Số không chiểu theo quy tắc bài bố của "Ngũ Tinh" thì sẽ không cần nói đến việc khảo xét đến Thái Dương Tiết Khí. Trong toàn bộ kết cấu của câu trên, cũng có vẻ như có điểm mà nói chửa được thông.

Thứ hai, cổ nhân viết văn chương là hoàn toàn không có ngắt câu (các dấu câu chấm phẩy), do đó cái câu thoại "Bất y Ngũ Tinh yếu quá Tiết" nhỡ có thể là "Bất y Ngũ Tinh, yếu quá Tiết" (Không như Ngũ Tinh, phải chú trọng thông qua Tiết Khí) ấy chứ? Cứ kiểu như thế thì phản chuyển lại trở thành môn Tử Vi Đẩu Số lại cần chú trọng nhấn mạnh đến Tiết Khí hay sao?

Ngoài ra, quy ước an Thân Mệnh trong <<Tử Vi Đẩu Số toàn thư>> có nhắc đến:
"Đại để nhân mệnh cú tòng dần thượng khởi chính nguyệt..., hựu nhược nhuận Chính nguyệt sinh giả yếu tại Nhị nguyệt nội khởi an Thân Mệnh, phàm hữu nhuận nguyệt câu yếu y thử vi lệ."
(Đại khái là nhân Mệnh theo cung Dần khởi tháng Giêng... Lại nếu như người sinh vào tháng Giêng nhuận, thì phải từ Tháng Hai mà khởi an Thân Mệnh, phàm cứ xuất hiện tháng nhuận thì phải y theo quy tắc ấy.)
[QNB chú: độc giả lưu ý, có lẽ khi La Hồng Tiên biên soạn cuốn TVĐSTT này, năm Canh Tuất đời Gia Tĩnh triều Minh, thì chưa có sự điều chỉnh về quy ước cho tháng nhuận là "không được nhuận vào các tháng Một (11) , Chạp (12), Giêng (1)”, cho nên ở trên mới đề cập tới chi tiết "tháng Giêng nhuận" như vậy. Quy ước ấy, có lẽ xuất hiện theo bộ lịch Thời Hiến, khoảng năm 1644-1674 thuộc 2 đời Thuận Trị và Khang Hi triều Thanh].

Cái đoạn thoại ở trên đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho các đại sư môn Đẩu Số kiên trì với quan điểm Tử Vi Đẩu Số không theo Tiết Khí. Nhưng mà, quý vị độc giả đã từng khảo xét qua hay chưa, khi người viết ra cuốn sách <<Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư>> này là ông La Hồng Tiên, Tiến Sĩ của triều Thanh (QNB chú: có lẽ tác giả nhầm. La Hồng Tiên là Tiến Sĩ của triều Minh). Ở trong phần tựa mở đầu cuốn <<Tử Vi Đẩu Số toàn thư>> thì ông ấy có nói Tử Vi Đẩu Số là được một vị đạo sĩ ở núi Hoa Sơn có năm tu cỡ hai chục năm, dáng vẻ lão thành, đem tặng cuốn sách. Sau đó dựa theo sách mà học tập mà đoán ứng nghiệm như thần, bởi vì không dám giấu kín cho riêng mình nên đem công bố ra thiên hạ. Như thế thì, nói cách khác, cái bản <<Tử Vi Đẩu Số toàn thư>> này chính là sở học sở tích lũy theo quá trình tự nghiên cứu Tử Vi Đẩu Số của La Hồng Tiên, mang những điều tâm đắc mà viết thành. Cũng có thể nói, <<Tử Vi Đẩu Số toàn thư>> quy ước an Thân Mệnh kia cũng là theo sở kiến cá nhân của La Hồng Tiên, là một bộ phận trong tác phẩm của ông ấy, chứ cũng chẳng phải là chính đích thân lão thần tiên Trần Hi Di viết ra. Như thế, thì nhiều điều luận trong cuốn <<Tử vi Đẩu Số toàn thư>> này có gì cam đoan là hoàn toàn không có sai lầm hay không? Cổ nhân viết sách in sách bởi vì việc sao chép là không dễ dàng gì, cho nên thường ngày sửa lỗi in đầy rẫy, chữ tác đánh thành chữ tộ ("lỗ ngư hợi thỉ" là thành ngữ, chữ Lỗ viết thành chữ Ngư, chữ Hợi viết thành chữ Thỉ). Chúng ta có thể rất dễ dàng đưa ra nhiều chỗ nhầm lẫn trong cuốn <<Tử Vi Đẩu Số toàn thư>>. Do đó, phương thức xử lý tháng Nhuận của Tử Vi Đẩu Số ở đây cũng có thể là đại biểu cho ý kiến cá nhân của ông La Hồng Tiên mà thôi. Hơn nữa, các học giả hậu thế đều không hoàn toàn chiểu theo y như phương pháp xử lý tháng Nhuận theo quy ước an Mệnh Thân trong <<Tử Vi Đẩu Số toàn thư>>. Do đó, cái này cũng không thể được nhận định là chứng cứ hùng hồn về việc Tử Vi Đẩu Số không theo Tiết Khí. Huống hồ Tử Vi Đẩu Số lưu truyền đến nay, trong kết cấu cũng không phát sinh quá nhiều thay đổi trọng đại? Các vị không ngại thì đến tiệm sách mà xem các tác phẩm của Tử Vân tiên sinh, Liễu Vô Cư Sĩ, cùng với một số quảng cáo rùm beng về Khâm Thiên Tứ Hóa phi tinh,... ngoại trừ 14 chính tinh tương đồng với truyền thống ra thì còn lại đều không thấy nhiều bóng dáng của hình ảnh cổ thư nữa! Thậm chí ngay cả Tứ Hóa truyền thống đều biến thành ra "nhị Hóa", trong đó Hóa Quyền với Hóa Khoa bị tỉnh lược đi! Nhất thời đúng hay sai khó mà phân biện cho rõ, nhưng mà cũng đại biểu cho phép xem không chính gốc của cổ nhân lưu lại, người hậu thế từ kinh qua nghiệm chứng mà san định sửa đổi.

Thảo luận tới đây, chúng ta không ngần ngại để làm một loại "giả thiết", đó chính là nếu như "Tử Vi Đẩu Số" là sự lột xác từ "Quả Lão Tinh Tông" hoặc Chiêm Tinh học thì "Tử Vi Đẩu Số" nhất định chẳng thể nào thoát ly được cặp ảnh hưởng của Thái Dương và Thái Âm. Do đó, tiên hiền cổ thánh lúc ban sơ thiết kế môn "Tử Vi Đẩu Số", tham chiếu phỏng theo vận hành của Nhật Nguyệt âm dương với biến hóa bốn Mùa, lấy "Tiết Khí" của Thái Dương vận hành trên Hoàng Đạo mà định Thân, Mệnh cung; lại tham khảo lấy "Nhật kỳ" của Nguyệt Lượng (mặt trăng) tròn khuyết để khởi Tử Vi tinh bàn. Như thế, cái tổ hợp cấu thành của thuật số mệnh học, nhất định sẽ phải giống ở riêng việc theo "Tiết Khí" làm căn cứ của thuật số để tiên tiến và chuẩn xác hơn.

Gần đây trên mạng có người hồi đáp Nguyệt Phần (số tháng) của Tử Vi Đẩu Số là căn cứ vào "Đẩu bính" để mà xác định, tháng Giêng thì "Đẩu bính" chỉ Dần, tháng Hai "Đẩu bính" chỉ Mão, tháng Ba thì "Đẩu bính" chỉ Thìn, v.v... Cái phép suy luận này cũng có vài điểm có chỗ mâu thuẫn:

Trước tiên, cái gọi là "Đẩu bính" là cái gì? Ứng với đúng cái phần phần đuôi của "Bắc đẩu thất tinh"! Nếu như quả chính xác là vậy thì tôi nhất định phải đưa ra sự sửa chữa uốn nắn! Bởi vì vị trí của chỗ "Đẩu bính" chỉ vào vẫn cùng với Tiết Khí có quan hệ không tách rời được!
Hoài Nam Tử viết: "Đẩu bính chỉ hướng Đông, thiên hạ đều Xuân; Đẩu bính chỉ Nam, thiên hạ đều Hè; Đẩu bính chỉ Tây, thiên hạ đều Thu; Đẩu bính chỉ Bắc, thiên hạ đều Đông".
Đây chính là cổ nhân lấy Bắc Đẩu thất tinh xem như ghi chép của quan trắc thời lệnh Tiết Khí. Cổ nhân phát hiện mà đem nó ghi chép lại. Thế thì vì sao mà có cái mối quan hệ đối ứng phù hợp như vậy nhỉ? Chủ yếu nhất vẫn là bởi vì Địa Cầu quay xung quanh Thái Dương mà biến đổi mối quan hệ của vị trí Hoàng Đạo. Do đó, chúng ta có thể nói "Đẩu bính" với Tiết Khí không liên quan hay sao? Huống hồ chỗ "Đẩu bính" chỉ vào Dần, Mão, Thìn, Tị,... cũng đều căn cứ vào sở định của Tiết Khí cả, không phải hay sao? Nếu như mà chẳng phải, thế thì xin hỏi rằng vào lúc tháng Nhuận của năm Nhuận thì "Đẩu bính" nó chỉ vào chỗ nào nhỉ?

Thứ hai, vị trí của chỗ "Đẩu bính" chỉ vào còn thuộc về "hiện tượng Thiên văn" mà làm sao có thể nói Đẩu Số với Thiên Văn là không liên quan đây? Ngoài ra, theo tôi được biết, vị trí của "Đẩu bính" di động mỗi ngày, từng Thời Thần (canh giờ) đều có vị trí biến động [Nó chỉ đúng chân thực phương hướng Đông Tây Nam Bắc hay không thì tôi vẫn còn nghi ngờ]. Vì thế, tôi còn đặc biệt đi sắm về một bộ giáo cụ rất đẹp của Bộ Giáo Dục phát hành - bàn chuyển các chòm sao để quan sát sao trời nhé! Đối với cái này mà có người nghi vấn, thì đề nghị ngài đừng ngại tới tiệm sách mà mua sắm vậy, đồng thời đi để mà quan sát một phen, ngài có thể hiểu rõ hơn!

Còn có người cho rằng Tử Vi Đẩu Số sở áp dụng chính là hệ thống "Hư tinh" chứ không phải là giống như Chiêm Tinh học xét đến sự vận hành của tinh thể thực tế. Do đó, khỏi cần đi giải thích về sự vận hành biến hóa của các tinh thể như là trong Chiêm Tinh học. Nên vì thế càng không cần bàn về việc Thái Dương quá cung với vấn đề Tiết Khí!
Về cơ bản, quan điểm này cũng có trăm ngàn chỗ sơ hở, chúng ta hãy nhìn quanh xem các môn chiêm bốc tinh mệnh của Trung Quốc, ngoại trừ Thất Chính Tứ Dư với Chiêm Tinh học hiện nay là cùng áp dụng sự vận hành của các tinh thể thực tế để mà làm cơ sở đoán mệnh ra, thì xin hỏi các vị, còn có một môn học thuật nào là xét đến hệ thống "Thực tinh" hay không? Thiên Can Địa Chi của Tử Bình Bát Tự, xin hỏi là có ai nhìn thấy được không? Hệ thống cửu tinh của Kỳ Môn Độn Giáp cũng chẳng phải là hư tinh hay sao? Hệ thống bát quái chẳng có nhẽ nào lại là tinh thể thực tế đấy à? Thế mà các môn đó đều dựa vào Tiết Khí để làm căn cứ, thế ngài cho rằng Tử Vi Đẩu Số có thể là ngoại lệ hay sao?

Một số bằng hữu có trả lời rằng chẳng cần biết mèo đen hay mèo trắng, có thể bắt được chuột thì chính là mèo tốt. Ý tức là chẳng kể là môn phái nào, chỉ cần toán được đúng thì nhất định là chính xác. Cái quan điểm này, cá nhân tôi đặc biệt tán thành, nhưng mà đây lại là một công trình khó khăn đặc biệt. Bởi vì Mệnh lý học chẳng phải là Toán học, nó cũng không có đáp án chuẩn mực, hoàn toàn chiểu theo kinh nghiệm cá nhân, cảm giác để mà nhận định, tựa hồ như rất khó có đáp án khách quan. Trừ phi có thể có một tổ chức đoàn thể giám sát cùng với một kho tư liệu khổng lồ để kiểm chứng tương hỗ, bằng không thì rất dễ rơi vào cái cảnh ông nói thì cho là ông có lý, bà nói thì cho là bà có lý, ai nói theo kiểu của người đó.
Ngoài ra, cá nhân tôi tuyệt đối tin tưởng vào "Mệnh vận tuyển trạch luận", nói cách khác là con người có thể thông qua sự lựa chọn để cải biến mệnh vận. Do đó, nhân tố của ảnh hưởng mệnh vận cũng không chỉ có riêng sinh thần bát tự, mà còn bao quát cả phong thủy, hoàn cảnh lớn lên, bối cảnh giáo dục, cha mẹ, vợ con,...
Chúng ta chỉ có thể căn cứ xác định một số đáp án sự kiện đã biết để suy đoán, bởi vì thực sự rất khó có một đáp án chuẩn mực, bất quá chúng ta vẫn đều là hy vọng có thể tập hợp một số học giả có chí hướng để nghiên cứu và thống kê, hy vọng có thể tiếp cận các chiêm tinh gia nước ngoài cùng đề xuất số liệu thống kê tin cậy để làm bằng chứng, cho nên tôi nói đây là một công trình đặc biệt to lớn.

Cuối cùng, tôi còn muốn nhấn mạnh một điểm, lập trường nghiên cứu Tử Vi Đẩu Số của tôi tuyệt đối không phải là bảo thủ cứng nhắc, đứng ở lập trường người nghiên cứu mệnh lý, tôi thực sự mong muốn mở rộng tấm lòng để kiểm xét lại từ đầu các bảo vật mà Trần Đoàn lão tổ lưu lại, cái hay thì đường nhiên phải được tăng cường bảo tồn lưu giữ, có vấn đề thì chúng ta đương nhiên phải giải quyết vấn đề. Chiêm tinh thuật của người phương Tây có cục diện như ngày hôn nay cũng chính là công lao thuộc về sự phát triển của khoa học Thiên Văn cùng với sự sôi nổi của các học giả nghiên cứu, mới có thể có được hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh (Tuy nhiên vẫn còn có một số vấn đề, nhưng ít ra thì trong phương diện cơ sở lý luận thì họ có rất ít tranh cãi). Trái lại thì Tử Vi Đẩu Số ở trong nước (các môn thuật số khác cũng thế) còn dừng lại ở quy mô mỗi ông nói một chút, mỗi cá nhân đều có một phần lý luận cao siêu có thể tự bào chữa, gặp lúc có ý kiến bất đồng thì choảng nhau chí chóe, cũng chẳng chịu tĩnh tâm để mà nghe ý kiến phản biện của người ta. Xin hỏi cái loại nghiên cứu học thuật như thế sẽ tiến bộ được chăng? Riêng vấn đề của Tiết Khí, Tứ Hóa, khởi Đại Hạn có ở cung Mệnh hay không, cũng đã khiến cho người nghiên cứu Tử Vi Đẩu Số đau hết cả đầu! Những cái khác càng không cần phải nói! Chúng tôi thực sự rất lo ngại, giả như có một ngày nào đó mà Đại Học trong nước (thậm chí Đại Học nước ngoài) muốn mở ra xây dựng chương trình học phần của môn Tử Vi Đẩu Số, thì không hiểu là sẽ phải giảng dạy như thế nào? Cho dù có chọn được người dạy được phù hợp, xin hỏi sẽ có bao nhiêu người tín phục nghe theo đây? Tới lúc đó, tôi có lẽ sẽ không nhịn được nếu như cứ nói đi nói lại cái luận điệu cũ rích: học tập mệnh lý cần không sợ tính toán sai lầm, chỉ sợ đến cố sống cố chết không nhận sai lầm!
Và quý vị cao nhân bậc thầy cùng chung sức. Nếu như tôi có sai lầm! Cũng hoan nghênh các cao nhân bậc thầy gửi thư đến phê bình và chỉ giáo! Tôi sẽ rất sẵn lòng hoan hỉ tiếp thu!

Phan Văn Khâm.

 

 

img img img img img