028.6683.6980

Hotline 24/7: 091.668.9880

info@bacdautravel.com

Các Nhân Vật Được Đẩu Số Sử Dụng Hình Tượng - KHUẤT NGUYÊN

Các Nhân Vật Được Đẩu Số Sử Dụng Hình Tượng

 

KHUẤT NGUYÊN

 

Tên thực là Bình, tự là Nguyên, lại có tên Chính Tắc, tự là Linh Quân, người nước Sở thời kỳ Chiến Quốc. Ông sinh ra trong gia đình dòng dõi Hoàng tộc, có học vấn uyên bác, trí nhớ siêu quần, vừa tài giỏi về chính trị và ngoại giao lại vừa có tài văn chương, từng phụ tá các đời vua Sở là Hoài Vương và Tương Vương, đảm nhiệm qua các chức Tả Đồ, Tam Lư đại phu.

Về mặt đối ngoại, Khuất Nguyên đã trước thì khuyên Sở Hoài Vương sau lại thân đi sứ tới nước Tề để hợp tung liên minh Tề-Sở nhằm chống lại sự bành trướng của nước Tần. Về mặt đối nội, Khuất Nguyên hiến kế cho Hoài Vương phải tăng cường đoàn kết toàn dân và trọng dụng hiền tài, tiến hành cải cách pháp luật. Hoài Vương rất coi trọng ông và muốn nước Sở hùng mạnh thành bá chủ nên giao cho ông soạn ra Pháp Lệnh (Hiến lệnh, Hiến pháp), trong đó Khuất Nguyên đã đề xuất các mục hạn chế những đặc quyền đặc lợi của giới quan lại, quý tộc.

Với tư tưởng đột phá của mình trong việc thi hành cải cách pháp luật, Khuất Nguyên đã đe dọa lợi ích nhóm của đám tham quan và giới quý tộc bất tài, cho nên chúng liên minh để tìm mọi cơ hội gièm pha và cản trở việc thực thi Pháp Lệnh. Khi Khuất Nguyên không còn được sủng ái, lại luôn gặp phải sự chống đối, khiến cho hoài bão chính trị không thực hiện được nên đã bỏ đi. Khi nghe tin vị thuyết khách siêu cấp Trương Nghi vốn là Thừa Tướng của nước Tần đã dùng kế phá được phòng tuyến vững chắc của liên minh hợp tung các nước khác. Khuất Nguyên uất hận vì nhìn thấy viễn cảnh của quê hương sẽ suy yếu và đại bại trước Tần, sau đó liền viết bài Ly Tao (than vãn cảnh chia ly), lúc đó đang ở trên đất Tề, rồi ôm phiến đá nhảy xuống sông Mịch La mà tự vẫn.

Bài thơ Ly Tao là 1 bản trường ca 370 câu thiên sầu địa cảm, tự thuật lại từ lúc Khuất Nguyên được sinh ra cho đến cảnh cuối đời, trong đó có những lời than trách Sở Vương như:
Tình ta người chẳng xét cùng,
Nghe lời ton hót đem lòng giận ta.
Nói thẳng vẫn biết là có hại,
Rõ vậy mà nín mãi đành sao?
Chín tầng trời chứng trên cao,
Chỉ vì ta quá yêu người đấy thôi.
Trước cùng ta nặng lời hẹn ước,
Sau vì đâu đổi khác đơn sai?
Biệt ly ta chẳng quản nài,
Xót người lòng dạ đổi dời bao phen.

Mấy câu mở đầu bài Ly Tao cũng nói rõ về xuất thân Hoàng tộc cùng thời điểm ra đời của Khuất Nguyên:
Ðế Cao Dương chi miêu duệ hề,
Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung.
Nhiếp Đề trinh vu Mạnh Tưu hề,
Duy Canh Dần ngô dĩ giáng.
Hoàng lãm quỹ dư vu sơ độ hề,
Triệu tích dư dĩ gia danh.

Năm có tên “Nhiếp Đề Cách” chính là năm Dần (Thái Tuế ở cung Dần, còn Mộc tinh ở cung Sửu), còn Mạnh Tưu là tên gọi khác của tháng đầu tiên (Mạnh) của mùa Xuân. Ngày sinh là Canh Dần thì ông ấy đã nói rõ, còn giờ sinh thì không rõ, chỉ nói “Hoàng lãm quỹ dư vu sơ độ” có nghĩa là bóng mặt trời đã đi qua vạch độ đầu tiên trên Nhật Quỹ (đồng hồ mặt trời). QNB suy đoán là vào giờ Thìn, đồng thời tra cứu Lịch Pháp, tương ứng vị trí nước Sở ở 30 độ vĩ Bắc và 114 độ kinh Đông, thì thấy sự tương hợp. Ngày 16/3/343 Trước Công Nguyên, nhằm ngày Canh Dần tháng Giáp Dần năm Mậu Dần, âm lịch địa phương là ngày 21/1, giờ Kỷ Mão ứng lúc 04:35 - 06:35, giờ Canh Thìn ứng lúc 06:35 - 08:35.

Theo đó, Bát Tự của Khuất Nguyên là [Mậu Dần – Giáp Dần – Canh Dần – Canh Thìn], còn lập ls Tử Vi sẽ dùng Âm lịch giờ Thìn, ngày 21 tháng 1 năm Mậu Dần. Rất may mắn cho dân chơi Đẩu Số vì ông ấy đã không giáng sinh vào tháng trước đó, nếu không sẽ xảy ra 1 rắc rối rất dễ hiểu lầm. Vì thời nhà Chu vẫn dùng Lịch Pháp kiến Tý (lấy tháng Tý, 11, làm tháng đầu tiên của năm), mãi sau này đến thời Hán Vũ Đế mới đổi sang Lịch Pháp kiến Dần (lấy tháng Dần, Giêng, 1, làm tháng đầu tiên của năm), mà môn Tử Vi lại được thiết lập trên hệ thống Lịch pháp kiến Dần, cho nên khi đó chúng ta sẽ phải điều chỉnh lùi về năm Kỷ Mão để lập lá số. Môn Bát Tự sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều này, vì cơ sở của nó dùng Tiết khí Dương Lịch.

Trong môn Đẩu Số có dùng hình tượng Khuất Nguyên qua câu:
Hạn chí Thiên la Địa võng, Khuất Nguyên nịch thủy nhi thân vong (Nghĩa là: hạn đi đến cung Thìn - Thiên La và cung Tuất - Địa Võng thì dễ bị tai nạn chết đuối như ông Khuất Nguyên).

Đây chỉ là dùng hình tượng ví von thôi, chứ thực tế như ta biết, lập lstv của Khuất Nguyên sẽ thấy ông ấy có bộ Cơ Lương Tang Hổ Kị ở cung Tuất, tuy rằng đó là cách dễ bị tai nạn ngã nhưng không nhất thiết là ngã xuống sông mà chết hehe… Cung cấp thêm thông tin cho độc giả, thời điểm Khuất Nguyên chết là giữa năm 278 TCN, đó là năm Quý Mùi.

Vì dùng hình tượng, cho nên tôi lại rất thích 1 Khuất Nguyên nào đó ứng với bộ sao Phá Quân + Xương Khúc, vì cái bộ sao này chủ về những anh đồ gàn, lý tưởng rất cao và văn tài xuất chúng, nhưng thường bị nghèo và bất đắc chí. Hơn nữa, khi mà Văn Hao gặp Hóa Kị thì rất dễ xảy ra tai nạn chết đuối hehe… (Văn là gọi tắt của bộ Xương Khúc, còn Hao là gọi tắt cho sao Phá Quân). Dưới đây xin cung cấp cho quý vị một số cách và tính chất liên quan đến các sao này:

Các cụ xưa vẫn dùng Thiên Lương và Lộc Tồn để giải tính ác và tính cuồng của Phá Quân, chỉ sợ Phá gặp thêm Kị - nhất là Xương Khúc hóa Kị thì khó giải vì Văn Hao ngộ Kị là số nghèo, ăn mày và dễ toi mạng vì thủy nạn nếu nhập hạn ở Hợi cung.
Phá + Xương Khúc = hàn nho, bần sĩ
Kị + Xương Khúc = hàn nho, bần sĩ
Phá + Kị = nghèo túng, phá tán
Phá + Xương Khúc + Kị = nghèo và dễ gặp thủy nạn.

Với mấy ông Phá Quân thì tốt nhất là tận dụng cái tính ngông, tính mạnh mẽ quyết liệt, tính đột phá để mà làm mấy việc như khai phá những tư duy mới, góc nhìn mới, thị trường mới, khai mở hay là cải cách cái gì đó,… vì ông Phá Quân chẳng thích cái gì có tính quy tắc bó buộc mà thích cởi mở với những trào lưu phản truyền thống (chính điểm này khiến cho Tử Vi e ngại gặp Phá Quân là vậy).

 

img img img img img