028.6683.6980

Hotline 24/7: 091.668.9880

info@bacdautravel.com

Các Nhân Vật Được Đẩu Số Sử Dụng Hình Tượng - LỤC CHÂU

Các Nhân Vật Được Đẩu Số Sử Dụng Hình Tượng 

 

LỤC CHÂU

 

Nàng là mỹ nhân xinh đẹp tuyệt thế, rất giỏi thổi sáo và múa hát, là một trong những mỹ nhân trứ danh thường được nhắc đến trong các điển tích cổ đại. So với những người đẹp kia thì Lục Châu được ca ngợi vì thà chết chứ nhất định không chịu đánh mất tiết hạnh và tình nghĩa phu thê. Nàng là sủng thiếp của Thạch Sùng, người giàu nhất nhì thiên hạ vào thời Tây Tấn.

Tương truyền Lục Châu mang họ Lương, sinh ra ở thôn Lục La, trấn Song Phượng, Bạch Châu (trước khu này còn bao gồm luôn địa phận Hợp Phố, thủ phủ của châu ngọc, nay thuộc Quảng Tây). Cũng như truyền thống người Bách Việt cổ đại, con gái vùng này thường được gọi là Châu Nương. Vào năm nọ, Thạch Sùng nhân chuyến công vụ tới xứ Giao Chỉ, trên đường về có đi qua trấn Song Phượng, liền đem mấy đấu ngọc bích vừa có được ở Giao Chỉ đến nhà Lục Châu để hỏi nàng về làm thiếp.

Cũng vì việc Thạch Sùng lấy ngọc minh châu để hỏi cưới nàng, nên một số người mới cho rằng đó là gốc tích của cái tên Lục Châu. Và cái thành ngữ “Châu về Hợp Phố” cho đến nay vẫn còn tranh luận rất chi là sôi nổi trong giới chơi ngọc về các điển tích ngọc lấy ở Giao Chỉ chỗ nàng Mị Châu tử nạn hay là liên quan đến nàng Lục Châu.

Xưa nay, nhắc đến Thạch Sùng, người ta chỉ biết ông này giàu chứ ít ai biết rằng tay này rất tài năng và mưu trí. Ngay khi 20 tuổi đã tham gia chiến dịch bình định Đông Ngô để thống nhất Tam Quốc, Thạch Sùng được phong An Dương Hầu, làm Thứ sử Kinh Châu, kiêm Hiệu Úy nam phương. Về sau, lại được thăng làm Thái Bộc và Vệ Úy. Thạch Sùng cất một biệt thự rất tráng lệ gọi là Kim Cốc, thường hội họp bạn bè ở đây để ăn uống, chơi bời. Trong đó xây cất lầu gác nguy nga, giăng toàn gấm vóc, đồ trân quý nhiều không kể xiết, mỹ nhân trong đó nhiều tới cả ngàn người, nhưng từ khi nàng Lục Châu về thì họ đều bị lu mờ trước vẻ đẹp của nàng.

Đương thời, Triệu vương Tư Mã Luân (con trai thứ 9 của Tư Mã Ý) làm Thừa Tướng chuyên quyền và luôn có ý định cướp ngôi của Huệ Đế (xét vai vế phải gọi Tư Mã Luân là ông). Luân lại tin dùng 1 mưu sĩ là Tôn Tú, mà Tú thì rất mê tài sắc của Lục Châu, cho nên rắp tâm xúi Tư Mã Luân giả truyền thánh chỉ vu cho Thạch Sùng làm phản mà đem đại binh đến tiêu diệt. Thạch Sùng vốn có thừa tài năng và mưu lược, quân sĩ ở Kinh Châu cũng không phải là ít, nhưng biết rõ là thứ nhất bản thân thì không thể chống lại thánh chỉ và quân sĩ lại càng không dám kháng chỉ, thứ hai là Tư Mã Luân chỉ muốn cướp tài sản của mình, thứ ba Tôn Tú thì rắp tâm cướp nàng Lục Châu.

Lục Châu đương buổi hầu rượu Thạch Sùng trên lầu Kim Cốc, biết chuyện vì mình mà Thạch Sùng mang họa sát thân và để tránh bị Tôn Tú chiếm đoạt cho nên đã than thân một hồi rồi gạt lệ mà gieo mình từ trên lầu xuống tự vẫn để bảo toàn tiết hạnh và tình nghĩa trọn vẹn với Thạch Sùng.

Từ đó điển tích “Lục Châu trụy lâu” trở thành đề tài kinh điển cho các tác phẩm thơ ca nhạc kịch,… Các thánh thơ như Lý Bạch, Tô Đông Pha, Đỗ Mục,… cũng đều từng múa bút mà ca ngợi nàng. Các thi nhân đời sau thường lấy hình ảnh cánh hoa quế rơi rụng để mô tả hình ảnh Lục Châu nhảy lầu. Do vậy trong dân gian, Lục Châu được tôn làm Quế Hoa Thần.

Trong môn Đẩu Số có câu:
- “Kiếp Không hạn lâm Sở Vương táng quốc Lục Châu vong”
Nghĩa là: Hạn gặp Địa Không, Địa Kiếp, thì dễ mất nước như Sở Bá Vương Hạng Vũ, dễ bị vong mạng như nàng Lục Châu.
- “Điếu khách Tang môn, Lục Châu hữu đọa lâu chi ách”
Nghĩa là: Hạn gặp Điếu Khách, Tang Môn thì dễ gặp tai họa buồn đau, dễ gặp tai nạn ngã lầu xuống, nặng thì có thể chết như nàng Lục Châu.

Các sao Tang Hổ, Tang Điếu nếu như mà đi kèm với bộ Cơ Lương, thấy năm có Thái Tuế dẫn động thì nên đặc biệt chú ý kẻo có chuyện đau lòng, kẻo bị té ngã đến nỗi nhẹ thì gãy chân tay, nặng thì vong mạng. Té ngã ở đây bao gồm cả nghĩa đen (khi leo trèo cây cao, lầu cao) và cả nghĩa bóng (khi ở các vị thế cao hơn người). Điếu Khách bản chất là chủ về sự than vãn, đau lòng, ca thán (kỳ sau chúng ta sẽ gặp bài siêu than vãn là bài Ly Tao của lão đồ gàn Khuất Nguyên), còn Tang Môn chủ về máu, Bạch Hổ chủ về xương, cho nên nếu người ta hạn gặp Tang (Hổ) Tuế Điếu cũng thường đau lòng vì chia lìa với máu mủ ruột rà của mình vậy.

 

img img img img img