028.6683.6980

Hotline 24/7: 091.668.9880

info@bacdautravel.com

Các Nhân Vật Được Đẩu Số Sử Dụng Hình Tượng - Phạm Lãi

Các Nhân Vật Được Đẩu Số Sử Dụng Hình Tượng

 

PHẠM LÃI


Tên tự là Thiếu Bá, còn gọi là Phạm Bá, sau lại đổi tên thành Si Di Tử Bì và Đào Chu Công, ông là đệ nhất danh sĩ của nước Việt thời Chiến Quốc. Sử sách đánh giá Phạm Lãi là người hoàn thiện có một không hai trong lịch sử, là viên ngọc đẹp không tì vết.

Xuất thân bần hàn ở Uyển thành của nước Sở, lại không được như Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên đến học nghệ với thiên hạ đệ nhất kỳ sư Quỷ Cốc Tử. Thế nhưng Phạm Lãi từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, bác cổ thông kim, binh pháp kinh luân đều thao lược siêu quần, kinh tế chính trị đều tinh thông tường tận. Trí tuệ của Phạm Lãi chỉ có thể lấy hình tượng thần tiên giáng thế mới có thể hình dung ra được.

Năm Phạm Lãi 20 tuổi, viên huyện lệnh Uyển Thành là Văn Chủng ngưỡng mộ danh tiếng ông đã tìm đến đàm đạo. Chí lớn gặp nhau, cả hai đều biết Sở Bình Vương u mê, không phải nơi để họ có thể thi triển tài năng. Sau đó, họ đã gặp Câu Tiễn là người vừa kế vị ngôi Việt Vương cũng có chí cao vời vợi, muốn dựng Bá nghiệp, đang ra sức tuyển chọn hiền tài. Tuy nhiên vận người không qua được vận nước, trời già lại đùa bỡn 1 phen, Câu Tiễn hiếu chiến đã không nghe theo kế của Phạm Lãi phải chuẩn bị tiềm năng kinh tế và binh lực hùng mạnh, vội vàng đem quân ứng chiến Ngô vương Phù Sai, thua liểng xiểng và bị vây ở núi Cối Kê. Bấy giờ Phạm Lãi lại hiến kế, hoặc là dựa vào thế núi để tử chiến, hoặc là bỏ qua thể diện, giữ được rừng thì không lo sau này không có củi đốt. Câu Tiễn đã chọn cách hàng, chỉ cần giữ mạng, thân làm nô lệ cho Phù Sai, nếm mật nằm gai chờ phục hận. Phạm Lãi và Văn Chủng bắt đầu thi hành liên hoàn kế trong bối cảnh hết sức gian khổ, trong thì ngầm phát triển kinh tế nước Việt, ngoài thì thâm nhập nắm bắt quân tình nước Ngô. Tiến cống mỹ nhân Tây Thi để lung lạc ý chí Phù Sai đó là mỹ nhân kế, thực hiện ly gián để loại bỏ mưu sĩ số một Ngũ Tử Tư của nước Ngô, đó là kế rút củi đáy nồi.

Khi Câu Tiễn được thả tự do trở về nước Việt, lúc Phạm Lãi đã đào tạo được binh hùng tướng mạnh, lương thực quân nhu dồi dào, chỉ với một trận đã đánh thẳng vào tới thành Cô Tô (ở gần Thượng Hải ngày nay). Phù Sai xin hàng làm nô lệ, Câu Tiễn định chấp thuận thì Phạm Lãi nói “Lẽ nào ngài lại muốn dựng lên một Câu Tiễn thứ hai”, Câu Tiễn giật mình sợ hãi bèn lệnh cho Phù Sai tự sát. Diệt được Ngô, nước Việt nổi lên thành một thế lực hùng mạnh ở khu vực Đông Nam của Trung nguyên. Đệ nhất công thần Phạm Lãi đã bất ngờ từ quan để ra đi mai danh ẩn tích, khiến cho thánh thơ Lý Bạch đời sau ca tụng:
Công thành danh toại, liền rũ áo,
Bổng lộc vinh hoa, cũng ngó lơ.

Với tầm nhìn xa trông rộng của mình, trước khi ra đi Phạm Lãi đã để lại cho Thừa tướng Văn Chủng 1 phong thư phân tích rõ “điểu tận cung tàng” (chim hết thì cung phải cất, là điển tích đã trở thành 1 thành ngữ thông dụng đời sau), và nói rằng Câu Tiễn có cái cổ cao nghểnh lên, mũi khoằm miệng nhọn, đó là cái tướng Diều hâu, chỉ có thể cùng chung hoạn nạn, không thể cùng chung hưởng an lạc. Văn Chủng không rứt áo ra đi theo lời khuyên này, cuối cùng cũng bị Câu Tiễn ép phải tự sát.

Phạm Lãi đem cả gia đình tới nước Tề sinh sống đổi tên thành Si Di Tử Bì, nhưng có người biết thưa với Tề Vương liền đem ấn Tướng Quốc tới mời ông ra phò tá. Phạm Lãi đã từ chối và lại dời đi ngay, tới thành Đào Khâu của nước Tống, ông cho rằng đây là trung tâm của thiên hạ, thuận tiện giao thương, bèn lấy đất Đào làm họ, đổi tên thành Chu Công. Với tài năng của mình, cả 2 lần start-up từ đôi bàn tay trắng, Phạm Lãi đều thành công rực rỡ. Thiên hạ sau này đều nghe danh vị thương gia Đào Chu Công giàu có phú gia địch quốc.

Phạm Lãi có người con thứ, vì giết 1 Hầu tước nước Sở nên bị bắt chờ ngày xử tội. Ông bèn viết 1 phong thư cho người bạn làm quan nước Sở là Trang Sinh, định giao cho đứa con út đem đi và mang theo 1 ngàn lượng vàng để Trang Sinh trang trải giúp để cứu con mình ra. Nhưng đứa con cả của ông đòi đi cứu em nếu không cho đi thì sẽ tự vẫn ngay. Phạm Lãi bảo “Con đi thì chỉ có đem xác em con về mà thôi”, nhưng nói thế nào thì nó cũng không chịu, vợ lại bảo nếu không cho nó đi, ông chưa cứu được đứa con thứ thì đứa cả đã tự vẫn chết rồi. Phạm Lãi thở dài đành ngồi chờ kết quả. Hơn tháng sau con cả đem về xác của đứa em, Phạm Lãi mới phân tích:
- Thứ nhất, con được sinh ra lúc nhà nghèo nên con xót của, đi chạy chọt là mua mạng sống em trai mà tiếc tiền thì con không đánh giá đúng mức đầu tư. Thằng út nó được sinh ra khi nhà giàu có nên nó sẽ không tiếc tiền để hỏng việc như con.
- Thứ hai, ta vốn biết Trang Sinh là quan thanh liêm cho nên cả đời ông ấy nghèo khó, ông ấy nhận vàng để con yên tâm không đi cửa này cửa nọ làm lộ chuyện sẽ khó tháo gỡ, khi xong việc mà không phải dùng đến ắt ông ấy sẽ trả lại. Con thì thấy người ta nghèo nên cho rằng ông ấy không đủ năng lực cứu em con, ấy là sự sai lầm trong việc đánh giá đối tác.
- Thứ ba, việc chưa xong, em chưa cứu được con đã quay lại đòi tiền Trang Sinh trong khi ông ấy lấy sự thanh liêm ra để Sở Vương tin tưởng thì mới cứu được mạng em con, ấy là con đã bội tín lại còn khiến ông ấy cảm thấy bị 1 đứa trẻ sỉ nhục, cho nên em con mới không được ân xá.

Phạm Lãi cả đời sáng suốt, về kinh tế chính trị, trên thương trường hay thuật dùng người đều luôn biết ứng dụng linh hoạt khéo léo phù hợp. Ông có viết các tác phẩm “Binh Pháp”, “Dưỡng ngư kinh”, và cuối đời là cuốn “Đào Chu Công sinh ý kinh” còn gọi là “Đào Chu Công kinh thương thập bát tắc” gồm có 18 nguyên tắc kinh điển dạy về việc buôn bán, đây được coi là cuốn sách giáo khoa đầu tiên về thương mại. Với thành quả là gia tài khổng lồ, tài năng buôn bán, Phạm Lãi được người đời sau tôn xưng là Thương thánh Tài thần, ông được coi là ông tổ của ngành thương mại, được thờ phụng như Thần Tài ở khắp nơi.

Trong môn Đẩu Số, thường lấy hình tượng Đào Chu để dẫn giải cho một cách cục giàu, thuộc Phú cục, chỉ Phú mà không Quý, tức là không ra làm quan chức chỉ đi buôn bán mà được giàu, giống y như cuộc đời của Phạm Lãi. Chúng ta nên nhớ, quan niệm phong kiến thời xưa thì coi trọng Quý hơn là Phú, phải làm quan để chăm lo cho chúng dân thì mới được gọi là quý. Các cách thuộc Phú cục được xét trên các cung [Mệnh, Điền, Tài Bạch] bao gồm:

1. Tài Ấm giáp Ấn (Tài tinh và Ấm tinh giáp với Ấn tinh)
Cung Mệnh hay cung Điền, Tài có Tướng sáng sủa tốt đẹp tọa thủ, có Lương giáp cung (Ấm tinh là tên riêng của Thiên Lương cũng như Thiên Ấn là tên riêng của Thiên Tướng). Bên giáp còn lại có Cự Môn hóa Lộc năm Tân.

2. Phủ Ấn củng Thân (Phủ Ấn củng chiếu cung an Thân)
Cung an Thân có Phủ, Tướng (hội cát tinh) hợp chiếu.

3. Kim xán quang huy (Ánh sáng vàng của mặt trời xán lạn)
Cung Mệnh hay cung Điền, Tài an tại Ngọ, có Nhật tọa thủ.

4. Nhật Nguyệt giáp Tài (Nhật Nguyệt giáp với Tài tinh)
Cung Mệnh hay cung Điền, Tài an tại Sửu có Tham, Vũ tọa thủ đồng cung. Hay tại Mùi có Phủ tọa thủ, có Nhật, Nguyệt giáp cung. (Tài tinh là tên riêng của Vũ Khúc vì Vũ Khúc chủ tiền bạc).

5. Nhật Nguyệt chiếu bích (Nhật Nguyệt cùng chiếu vào bức vách)
Cung Mệnh hay cung Điền, Tài an tại Sửu, có Nhật, Nguyệt tọa thủ đồng cung tại Mùi xung chiếu; hay an tại Mùi có Nhật, Nguyệt tọa thủ đồng cung tại Sửu xung chiếu.

6. Tài Lộc giáp Mã (Tài tinh và Lộc tinh giáp với Thiên Mã)
Cung Mệnh hay cung Điền, Tài có Mã tọa thủ, có Vũ, Lộc giáp cung.

Tiếc là không có tư liệu để khảo cứu lá số của Phạm Lãi, nhưng tôi đồ rằng lá số Tử Vi của ông ấy sẽ thuộc tinh hệ Tử Sát hoặc Tử Tướng, khi đó sẽ có 2 cách cục đi buôn trở thành đại phú rất điển hình là Vũ Tham và Cự Cơ, những cách này dù Mệnh có xấu nhưng lại thường phát phú ở đại vận thứ 4 khi gặp các cát tinh phò trợ người Cơ Lương đi đến đại vận Vũ Tham hoặc người Cự Cơ đi đến đại vận Vũ Phủ. Với những Tài tinh ở các vị trí miếu vượng này, chỉ cần có cát tinh củng chiếu và không bị phá cách, con người ta đã vào độ tuổi chín muồi (từ 35-45 tuổi) nhất định sẽ thu được thành tựu to lớn về tài chính. Giống như Phạm Lãi đã từ quan để đi buôn khi ở độ tuổi ngoại Tứ tuần vậy.

 

img img img img img